[THÔNG CÁO BÁO CHÍ] Kết quả các hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam tại Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ ngày 13 tháng 5 năm 2022

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Kết quả các hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam tại Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ ngày 13 tháng 5 năm 2022

Trong chuyến công tác tại thành phố Kolkata, bang Tây Bengal của Đại sứ Phạm Sanh Châu nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam Ấn Độ (1972-2022) và 132 năm kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp các phòng thương mại và công nghiệp tại Kolkata tổ chức hai sự kịện xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch vào Việt Nam vào ngày 13 tháng 5 năm 2022.

 

Là một trung tâm thương mại và cảng biển lớn, Kolkata từng là thủ đô của Ấn Độ cho đến năm 1911. Kolkata hiện là thủ phủ của Tây Bengal, có vị trí chiến lược đặc biệt với ba biên giới quốc tế với Bangladesh ở phía đông, Nepal ở phía tây và Bhutan ở phía đông bắc. Đây cũng là khu vực cửa ngõ phía đông của Ấn Độ và là một trong những trọng điểm của chính sách Hành động hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ. Tây Bengal là bang giàu tài nguyên thiên nhiên với ngành sản xuất chè phát triển mạnh va là bang sản xuất gạo lớn nhất và sản xuất khoai tây lớn thứ hai ở Ấn Độ. GRDP của bang Tây Bengal năm tài khoá 2020-2021 là 206 tỷ đô la Mỹ, xếp thứ 9 trên bảng xếp hạng thuận tiện cho kinh doanh trong các bang ở Ấn Độ năm 2021. Các ngành công nghiệp chính của Tây Bengal là công nghệ thông tin, da, dệt may, nông nghiệp, kim loại, khoáng sản và du lịch. Thành phố Kolkata có cảng xếp dỡ chè và chợ đấu giá chè lớn nhất cả nước, có sàn giao dịch chứng khoán Calcutta Stock Exchange (CSE) hơn 100 tuổi, lớn thứ hai của Ấn Độ.

Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tại Phòng Thương mại và Công nghiệp của các thương nhân Kolkata (Merchants’ Chamber of Commerce and Industry) thu hút sự tham dự 50 doanh nghiệp Ấn Độ tham dự trực tiếp và các doanh nghiệp, diễn giả từ Việt Nam tham dự trực tuyến. Ngay sau đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng đoàn đã tham dự hội nghị xúc tiến thương mại với Phòng Thương mại Calcutta (Calcutta Chamber’s of Commerce) có sự tham gia của trên 40 doanh nghiệp thành viên. Phòng Thương mại Calcutta thành lập từ năm 1830 là hiệp hội công nghiệp và thương mại lâu đời nhất ở Ấn Độ và Châu Á. Thành viên của Phòng gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo, ô tô, máy móc nông nghiệp, thép, giáo dục, dệt may, chè, chất dẻo, IT…

Phát biểu tại hai sự kiện, Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu bật mối quan hệ mật thiết về lịch sử, chính trị, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung và giữa Việt Nam và Tây Bengal nói riêng. Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ ngày càng được củng cố và tăng cường trên 5 trụ cột chính trị, an ninh – quốc phòng, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục và văn hóa. Về thương mại, thương mại song phương tăng trưởng đều đặn với tốc độ cao từ mức 200 triệu USD năm 2000 lên trên 13 tỷ USD năm 2021, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam và tiệm cận mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD do lãnh đạo hai nước đặt ra. Về đầu tư, tính đến ngày 20/3/2022, Ấn Độ có 317 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với số vốn là 1,005 tỷ USD, đứng thứ 24 trong số 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hiện nhiều tỷ phú, triệu phú và các doanh nghiệp lớn của hai nước đang rất quan tâm, tìm hiểu và tìm kiếm địa điểm đầu tư tại nước còn lại. Khả năng quan hệ đầu tư giữa hai nước dự kiến sẽ có những đột phá mới trong những năm tới, tập trung vào lĩnh vực cảng biển, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dầu khí, công nghệ thông tin… Hai nước có tiềm năng to lớn trong thúc đẩy dịch vụ du lịch khi cả hai đều có nhưng thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá thu hút du khách. Với việc nối lại đường bay thẳng Kolkata đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và việc tăng tần suất các đường bay thẳng giữa hai nước, du lịch dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Indigo sẽ nối lại đường bay Kolkata-Hà Nội, Kolkata-Tp. Hồ Chí Mình từ ngày 23/5/2022. Vietjet Air đã nối lại đường bay New Delhi – Hà Nội và New Delhi – Ho Chi Minh từ 29/4/2022, chuẩn bị triển khai đường bay Mumbai – Ha Noi, Mumbai – Ho Chi Minh, Mumbai – Phú Quốc, Phú Quốc – New Delhi.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng nhấn mạnh khía cạnh lịch sử và văn hoá đặc biệt của mối quan hệ giữa bang Tây Bengal và Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Kolkata – Tây Bengal tổng cộng 3 lần. Hình ảnh nhân dân Tây Bengal đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam với khẩu hiệu “Tomar Naam, Amar Naam, Vietnam Vietnam” (dịch ra là “Tên tôi là Việt Nam, tên bạn là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam”) còn lưu lại trong tâm trí và tình cảm của nhiều người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng của sự sẽ chia, đoàn kết và gắn bó của những dân tộc yêu chuộng hoà bình, công lý. Tây Bengal có dân số tương đương với Việt Nam và đặc điểm khí hậu, văn hóa khá tương đồng. Việc thiết lập đường bay thẳng giúp thu hẹp thời gian di chuyển chỉ với hơn 2 giờ bay trực tiếp từ Kolkata đến Hà Nội. Đại sứ cũng chỉ ra các lĩnh vực Tây Bengal và các tỉnh của Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác gồm: nông sản, du lịch, hóa chất và công nghệ thông tin, bất động sản, năng lượng mặt trời, giáo dục, dược phẩm và y tế.

Tại các buổi trao đổi, các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp của các thương nhân Kolkata và Phòng Thương mại Calcutta tìm hiểu nguyên nhân Việt Nam có thể thành công trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao đời sống nhân dân. Một số ý kiến tham khảo về hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể, khả năng mở rộng thị trường tại Việt Nam cho các sản phẩm chủ lực của Tây Bengal (như chè, dược phẩm, các sản phẩm làm từ sợi đay), khả năng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định Thương mại tư do ASEAN-Ấn Độ. Các doanh nghiệp đề nghị Sứ quán hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức một đoàn doanh nghiệp thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư, và du lịch tại Việt Nam và tiến hành hội nghị B2B trong thời gian tới./.