Việt Nam đóng vai trò hàng đầu trong chính sách “Hành động hướng Đông của Ấn Độ”
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, từ ngày 19 đến ngày 21/4/2022, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla dẫn đầu Đoàn Đại biểu Nghị viện Cộng hòa Ấn Độ sẽ thăm chính thức Việt Nam.
Năm 2022 đánh dấu mốc tròn 50 năm Việt Nam-Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao và 6 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trong chặng đường suốt nửa thế kỉ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, và đạt được những bước tiến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dịp này, phóng viên Truyền hình Quốc hội VN đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ.
Phóng viên: “Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 12 năm ngoái (2021), Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla khẳng định: Việt Nam đóng vai trò hàng đầu trong chính sách “Hành động hướng Đông của Ấn Độ”. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn về hành động này được không ạ?”
Ông PHẠM SANH CHÂU, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: “Mục đích của chính sách này là tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước nằm ở phía đông của Ấn Độ. Về phía tây, Ấn Độ có mối quan hệ rất phát triển và năng động với các nước vùng Vịnh. Về phía Đông, Ấn Độ vẫn chưa có chính sách để tăng cường quan hệ với các nước đó. Thứ hai, ở phía Đông Ấn Độ có 8 tiểu bang, gọi là 8 tiểu bang Đông Bắc Á. Vì vậy, chính phủ Thủ tướng Modi đã đề ra chính sách hành động hướng Đông nhằm mục đích tăng cường hơn nữa kết nối về kinh tế giữa các nước nằm ở phía đông với 8 tiểu bang, và với Ấn Độ nói chung. Bắt đầu từ 1 sáng kiến kinh tế nhằm thúc đẩy hơn nữa sự kết nối về hạ tầng, giao thông, đường bộ đi lại, đường hàng không, cũng như kỹ thuật số, sau đó, sáng kiến này đã phát triển thành 1 sáng kiến kể cả về lĩnh vực địa chính trị, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác nữa ở cấp độ song phương, đa phương và ở cả cấp độ khu vực”.
Phóng viên: Vai trò và vị trí của Việt Nam trong chính sách hành động hướng Đông này là gì?
Ông PHẠM SANH CHÂU, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: “Các nhà lãnh đạo Ấn Độ luôn khẳng định rằng, Việt nam đóng một vai trò then chốt trong chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ. Điều này đã được lặp lại nhiều lần trong các tuyên bố chính thức của các nhà lãnh đạo Ấn Độ, từ Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng và vừa qua là Chủ tịch Hạ viện. Việt Nam đóng vai trò quan trọng vì Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia dưới sự tác động của chính sách này. Thứ hai, 2 nước có mối quan hệ truyền thống rất lâu đời về văn hóa, văn minh, lịch sử trải hơn 2000 năm kể từ khi Phật giáo được truyền từ Ấn Độ về Việt Nam. Mối quan hệ giữa 2 nước gắn bó chặt chẽ, được xây dựng bởi các nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Việt Nam và Ấn Độ độc lập. 2 nước là 2 nền kinh tế đang nổi, với tốc độ phát triển nhanh, và đang có tiếng nói có trọng lượng tại diễn đàn quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam luôn được Ấn Độ coi là 1 trụ cột quan trọng trong chính sách hướng Đông”.
Phóng viên: “Trong thời gian tới, trụ cột Việt Nam trong tinh thần của chính sách Hành động hướng Đông sẽ được Ấn Độ tiếp tục thể hiện như thế nào?”
Ông PHẠM SANH CHÂU, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: “Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ tập trung vào 1 số lĩnh vực sau để thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Lĩnh vực thứ nhất là an ninh quốc phòng. Hợp tác an ninh quốc phòng là 1 trong những hợp tác thành công nhất trong mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Biểu hiện của chính sách này là Ấn Độ đã cung cấp 2 gói tín dụng 1 gói trị giá 100 triệu USD để đóng 12 xuồng cao tốc cho Việt Nam. Sắp tới, 2 bên đang thảo luận để sử dụng gói tín dụng 500 triệu USD gồm 4 cấu phần khác nhau. Lĩnh vực thứ 2 mà 2 nước quan tâm thúc đẩy đó là giao lưu về mặt văn hóa. Ấn Độ rất coi trọng văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam. Ấn Độ đã có những dự án khôi phục lại các tượng Chăm cổ tại Việt Nam. Lĩnh vực thứ 3, là hợp tác về giao lưu nhân dân. 2 bên đều thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước, đặc biệt là quan hệ liên quan tới Phật giáo. Cuối cùng là hợp tác về khoa học, công nghệ, kinh tế thương mại và đầu tư. Hiện nay, hợp tác kinh tế hai nước ngày càng phát triển, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng từ 200 triệu vào năm 2000 đến 12,3 tỷ USD trong năm 2020-2021, dự kiến đạt 15 tỷ trong năm tới. Đồng thời, về hợp tác đầu tư, làn sóng đầu tư Ấn Độ sẽ đầu tư mới vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng, dược phẩm, công nghệ số và công nghệ thông tin. Cuối cùng, hai bên hợp tác rất chặt chẽ về khoa học, công nghệ, giáo dục và du lịch. Hy vọng khi tình hình Covid-19 đã được cải thiện, sẽ có sự bùng nổ về du lịch 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ”.
Phóng viên: “Xin cảm ơn Đại sứ đã giành thời gian cho Truyền hình Quốc hội Việt Nam!”
Nguồn: Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Theo dõi thêm tại: https://quochoitv.vn/viet-nam-dong-vai-tro-hang-dau-trong-chinh-sach-hanh-dong-huong-dong-cua-an-do?fbclid=IwAR3Q6kanPiOVHxhlJTChyuF9SSXuk0osKta7XDRqWb8AgihLCl6s_o0xw8w
Related Post