Ngày 11/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến nhằm tôn vinh, tri ân tới các y, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã đồng hành, hỗ trợ 12 cán bộ, nhân viên, kỹ sư của Đại sứ quán bị nhiễm Covid-19. Cho đến hôm nay, tất cả các bệnh nhân đã hồi phục và quay trở lại công tác. Trong hơn một tháng nay, ĐSQ không có ca mắc mới, sức khỏe của các cán bộ, nhân viên được đảm bảo.
Các bệnh nhân chia sẻ những thời khắc khó khăn, những đau đớn về thể chất và tinh thần khi họ phải trải qua khi nhiễm bệnh ở nơi xa quê hương, không được người thân bên cạnh quan tâm, chăm sóc và chia sẻ. Trong đợt dịch lần này, hầu hết các bệnh nhân đều trải qua những cơn sốt cao liên tục trong trạng thái bị cách li, phải tự chăm sóc bản thân, hai người đã phải nhập viện để điều trị tích cực khi sốt cao nhiều ngày liên tục.
Trong những thời điểm đó, các buổi trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các bác sĩ, chuyên gia tại Việt Nam qua các công cụ trực tuyến không chỉ mang lại các kiến thức hữu ích mà cả điểm tựa tinh thần quan trọng để các bệnh nhân đối phó với căn bệnh mà giới chuyên gia quốc tế chưa có phác đồ điều trị chuẩn. Thật xúc động khi các bác sĩ dù bận bịu chống dịch trong nước vẫn dành thời gian quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ với những người Việt Nam ở xa xứ.
Các cán bộ, nhân viên của ĐSQ đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với các bác sĩ Việt Nam, coi đó là thể hiện chân thực nhất của người thầy thuốc nhân dân, “lương y như từ mẫu”. Anh Nhân, một trong những ca bệnh nặng nhất tại Sứ quán, cho biết đây là trải nghiệm không mong muốn nhưng sẽ theo anh đến suốt cuộc đời, nó giúp anh cảm nhận được nghĩa đồng bào, sự cảm thông và sẵn sàng sẻ chia của những người đồng hương, sợi dây liên kết vô hình giữa những người Việt Nam.
Thay mặt nhóm chuyên gia, Bác sĩ H.B. Hải và Bác sĩ T.D. Ngân cũng chia sẻ tính nghiêm túc, kỷ luật và sự chia sẻ thông tin liên tục giữa bác sĩ và bệnh nhân giúp cho quá trình điều trị được hiệu quả và tích cực. Kinh nghiệm khám chữa bệnh trực tuyến với các bệnh nhân ở đầu cầu Ấn Độ cho thấy phương pháp này có thể nghiên cứu, cập nhật và bổ sung để có thể được nhân rộng.
Đại sứ Phạm Sanh Châu thay mặt ĐSQ ghi nhận sự giúp đỡ quý báu và tận tâm của các bác sĩ, bày tỏ niềm tự hào đối với đội ngũ y tế Việt Nam không chỉ có năng lực chuyên môn cao mà còn hết lòng vì người bệnh. Các bác sĩ đã tiếp thêm sức mạnh để những người lính ngoại giao bám trụ tại địa bàn, tiếp tục là chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người Việt làm ăn, sinh sống xa quê hương.
Related Post