Việt Nam-Ấn Độ: Cùng sẻ chia giá trị, hướng đến tương lai

Baoquocte.vn. Việt Nam, Ấn Độ ngày càng trở thành những đối tác chiến lược toàn diện rất quan trọng của nhau, nền tảng nào để hai bên có niềm tin vững chắc vào tương lai? Những cơ hội hợp tác song phương nào là tiềm năng vô tận có thể khai phá?

Những nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu với TG&VN nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla đã phần nào trả lời những câu hỏi đó.

Thưa Đại sứ, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ nghị viện giữa hai nước nói riêng cũng như quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ nói chung trong thời gian tới?

Năm 2022 là năm Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla mang ý nghĩa biểu tượng cao đối với quan hệ hai nước. Đây là chuyến thăm cấp cao quan trọng trong năm 2022 của một lãnh đạo Ấn Độ tới Việt Nam, là sự tiếp nối chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tháng 12/2021.

Chuyến thăm diễn ra khi cả hai nước đã ứng phó thành công với đại dịch Covid-19, nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch.

Cả hai nước đang thực hiện mở cửa trở lại, thúc đẩy quan hệ song phương. Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền vừa giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2022. Việt Nam vừa tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đầu năm 2021 và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm đầu triển khai. Quan hệ giữa hai nước đang tiến triển năng động. Ngày 15/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Narendra Modi đã điện đàm, chia sẻ sâu rộng về tình hình phát triển và quan hệ hai nước cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Từ phía Ấn Độ, có thể thấy Thủ tướng Narendra Modi đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9/2016, hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Ram Nath Kovind thăm cấp Nhà nước tháng 11/2018. Phó Tổng thống Venkaiah Naidu thăm Việt Nam, dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tháng 5/2019, thúc đẩy mở đường bay thẳng giữa hai nước. Với chuyến thăm lần này của Chủ tịch Hạ viện Om Birla, bốn lãnh đạo đứng đầu Ấn Độ đều đã thăm Việt Nam trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Narendra Modi.

Chuyến thăm là minh chứng rõ ràng cho thấy hai bên hết sức coi trọng lẫn nhau và mối quan hệ song phương. Chuyến thăm không chỉ thể hiện sự tiếp nối truyền thống trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai nước và bề dày mối quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nehru và các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp mà còn góp phần tích cực duy trì, củng cố đà phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tạo bước tiến triển quan trọng cho quan hệ song phương trên toàn diện các lĩnh vực.

Hai mảng rất triển vọng nên được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới là du lịch tâm linh, đưa người Việt tới Ấn Độ và du lịch đám cưới đưa người Ấn Độ, nhất là giới siêu giàu tới Việt Nam.

Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy chính sách Hành động hướng Đông, Việt Nam cần phải làm gì để tối đa hóa được những cơ hội hợp tác, tạo ra những bước đột phá mới trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thưa Đại sứ?

Nói đến chính sách Hành động hướng Đông thì đây là chính sách được đưa ra năm 2014 trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ nhất của Thủ tướng Modi.

Chính sách đã tạo bước chuyển quan trọng trong quan hệ giữa Ấn Độ với các nước phía Đông của Ấn Độ. Xuất phát điểm là sáng kiến về kinh tế, hàm ý của chính sách này đã dần được mở rộng sang các lĩnh vực chính trị, chiến lược, văn hóa, trong đó có cả việc thiết lập các thiết chế đối thoại và hợp tác.

Nói về quan hệ giữa hai nước, nhất là quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, thì đang phát triển tốt. Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ tám của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 17 và đối tác ASEAN lớn thứ tư của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 13,2 tỷ USD, tiến gần tới mục tiêu 15 tỷ USD. Hai bên vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển trên cơ sở các thế mạnh và điểm tương đồng.

Có thể thấy, rất nhiều cơ hội hợp tác kinh tế và kết nối trên nhiều lĩnh vực đang mở ra giữa hai nước. Để có thể tận dụng tốt và phát huy các cơ hội này, tôi cho rằng Việt Nam cần chú trọng và thúc đẩy hơn những điểm chủ chốt sau:

Một là, cần chú ý, chủ động kết nối nhiều hơn với tám tỉnh Đông Bắc Ấn Độ. Đây là các tỉnh trọng tâm trong chính sách Hành động hướng Đông, là đầu cầu và đầu mối cho các kết nối giữa Ấn Độ với các nước phía “Đông”.

Hai là, mở rộng các kết nối thực tế, hay còn gọi là kết nối vật lý, giữa hai nước. Kết nối vật lý có nhiều hình thức, có thể là kết nối đường bộ, đường biển, đường không… Đây là yếu tố tối cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương.

Ba là, chú trọng tới kết nối số. Đây là lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh rất lớn, cả từ góc độ công nghệ, kinh nghiệm và hạ tầng. Ấn Độ cũng đã dành khoản tín dụng 1 tỷ USD để hỗ trợ các dự án kết nối số cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia vào các chương trình công nghệ của Việt Nam, đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm xây dựng chính sách, quy định pháp luật về quản lý số và ứng dụng số.

Bốn là, đẩy mạnh kết nối con người, thúc đẩy quan hệ giáo dục, phát triển du lịch giữa hai nước. Nền tảng cho kết nối trên lĩnh vực này đã được hai bên thiết lập. Mỗi năm Ấn Độ đều cấp nhiều học bổng cả trực tiếp và gián tiếp qua ASEAN cho Việt Nam. Bạn cũng giúp ta đào tạo kỹ thuật, nhân lực trong lĩnh vực quốc phòng.

Đồng thời, Ấn Độ cũng gửi chuyên gia một số lĩnh vực sang Việt Nam. Ta cần tận dụng tốt các cơ hội này, tăng cường thông tin về các nguồn học bổng để nhiều đối tượng học sinh, sinh viên Việt Nam biết và tiếp cận. Đồng thời, cũng cần nắm bắt các khoảng trống trong nền giáo dục Ấn Độ – dân số rất lớn, nhu cầu đào tạo rất cao, trong khi đáp ứng trong nước có hạn.

Năm là, kết nối du lịch. Hai mảng rất triển vọng nên được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới là du lịch tâm linh, đưa người Việt tới Ấn Độ và du lịch đám cưới đưa người Ấn Độ, nhất là giới siêu giàu tới Việt Nam.

Tôi thấy hai nước có nền tảng và cơ hội rất vững chắc cho sự phát triển này. Hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các giá trị cơ bản, có nhiều kết nối về văn hóa, văn minh, lịch sử. Ấn Độ là một nền văn hóa rất lớn, có rất nhiều công trình văn hóa tâm linh, lịch sử nổi tiếng, có sức hút lớn với người Việt. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên, khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp, được giới trẻ và giới siêu giàu Ấn Độ quan tâm.

Sáu là, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm, chia sẻ. Tình hình thế giới, khu vực hiện nay đang biến động hết sức phức tạp, khó lường. Vượt trên những biến động đó, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về quan điểm, lập trường về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Đây là một nền tảng tốt để duy trì, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay, giúp Việt Nam cũng như ASEAN củng cố mạnh mẽ hơn vai trò trung tâm đối với khu vực.

Với tôi, sự gắn bó và chia sẻ sâu sắc nhất giữa hai nước là về giá trị tâm linh.

Đại sứ từng chia sẻ thật khó để đánh giá tầm vóc và chiều sâu của mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ trong suốt 50 năm qua! Tuy nhiên, theo Đại sứ, đâu là giá trị cốt lõi và quan trọng nhất được vun đắp suốt năm thập kỷ? Trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều điểm phức tạp như hiện nay, giá trị và nền tảng đó có ý nghĩa như thế nào với quan hệ song phương, thưa Đại sứ?

Với tôi, sự gắn bó và chia sẻ sâu sắc nhất giữa hai nước là sự giao lưu văn hóa và tôn giáo trong lịch sử. Ấn Độ là một xã hội đa tôn giáo với sáu tôn giáo lớn chung sống hòa bình với nhau. Việt Nam là một nền văn hóa tôn trọng các giá trị lịch sử, văn hóa, văn minh, tôn trọng tâm linh, gắn bó với tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên.

Sự chia sẻ quan trọng thứ hai là các giá trị cơ bản của nhân loại. Đó là phản đối bạo lực, yêu chuộng, bảo vệ hòa bình, bình đẳng, bác ái. Các giá trị này cùng với sức mạnh mềm to lớn là Phật giáo và Yoga mà người dân cả hai nước đều quan tâm đã tạo nền tảng cho sự cảm thông, chia sẻ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện để nhân dân hai nước phát triển các mối quan hệ giao lưu đậm đà, thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau.

Ngay cả khi số lượng kiều bào của nước này ở nước kia không hề lớn, cộng đồng kiều bào vẫn có nhiều quan tâm, chia sẻ với cộng đồng người dân sở tại ở nơi sinh sống.

Điểm quan trọng thứ ba là sự chia sẻ những giá trị trong ứng xử đối ngoại. Cả hai nước đều là thành viên Phong trào Không liên kết. Hai nước đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó và niềm tin chiến lược. Trong bối cảnh thế giới, khu vực hiện nay, Ấn Độ càng nổi lên là một đối tác chiến lược toàn diện rất quan trọng của Việt Nam.

Điểm quan trọng thứ tư là giá trị quan hệ hợp tác trên toàn diện các lĩnh vực, trong đó điểm nhấn tạo nên sự khác biệt so với các mối quan hệ khác là hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, nhất là về đào tạo, tập huấn, hiện đại hóa trang thiết bị.

Với sự chia sẻ các giá trị này, quan hệ truyền thống Việt Nam-Ấn Độ đã, đang và cần tiếp tục được củng cố, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ. Tôi tin tưởng triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam-Ấn Độ rất tốt đẹp.

 

Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-an-do-cung-se-chia-gia-tri-huong-den-tuong-lai-180976.html