Đại sứ Phạm Sanh Châu – người mở đường cho ‘xuất khẩu giáo dục’ Việt Nam

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) vừa ký hợp tác cùng Công ty Aieraa Overseas Studies (Ấn Độ) đào tạo nhân lực ngành Y cho Ấn Độ. Sự kiện này chính thức đưa Việt Nam trở thành điểm đến của sinh viên y khoa thế giới.
Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, người đóng vai trò cầu nối vô cùng quan trọng của sự kiện này.
Chúc mừng ngài Đại Sứ vì đã kết hợp thành công mối “lương duyên” giữa HIU và Công ty Aieraa. Thưa ông lý do nào thúc đẩy ông kết nối và hướng đối tác chọn HIU đào tạo ngành y cho sinh viên Ấn Độ chứ không phải là một trường đại học nào khác ở VN?
Một trong những trọng tâm công tác của ĐSQ là kết nối giáo dục giữa hai nước. Khi thấy bạn có nhu cầu đào tạo một số lượng lớn sinh viên y khoa, chúng tôi đã liên hệ với các trường đại học y khoa của Việt Nam.
Yêu cầu đầu tiên đặt ra là trường phải có năng lực đào tạo bằng tiếng Anh. Qua tìm hiểu, tại Việt Nam hiện chỉ HIU và VinUni có chương trình đào Y khoa toàn bộ bằng tiếng Anh. Hai trường này đều bày tỏ mong muốn hợp tác.
HIU có ưu thế là trường có bề dày đào tạo y khoa và chăm sóc sức khỏe; Mức học phí rất hấp dẫn và có chính sách ưu đãi giảm học phí cho sinh viên Ấn Độ.
Trước đó ĐSQ đã có duyên tổ chức một sự kiện với HIU để giới thiệu sinh viên sang học ngành công nghệ thông tin, tập đoàn công nghệ cao HCL của Ấn Độ tuyển sinh viên công nghệ suất sắc của HIU làm việc cho họ sau khi tốt nghiệp.
Xin ông chia sẻ suy nghĩ về sự kiện lần đầu tiên một trường ĐH tư thục trong nước tiếp nhận sinh viên Ấn Độ theo học chương trình Y khoa và ý nghĩa của sự kiện này trong mối quan hệ hợp tác Ấn Độ và Việt Nam?
Thứ nhất, đây là một mốc son mới trong ngành giáo dục Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam bước vào bản đồ các điểm đến du học của sinh viên y khoa thế giới. Từng bước làm thay đổi quan niệm, Việt Nam không chỉ là nước gửi sinh viên, mà còn là điểm đến cho du học sinh các nước, đánh dấu bước trưởng thành về uy tín và trình độ đào tạo y khoa của các trường ĐH nước nhà.
Thứ hai, đây là bước đột phá trong ngoại giao kinh tế giữa hai nước. Từ tháng 9.2021, mỗi năm sẽ có khoảng 200 SV Ấn Độ sang Việt Nam để học y khoa. Việc tiếp nhận số lượng lớn sinh viên du học tự túc, giáo dục Việt Nam có nhiều triển vọng trở thành ngành công nghiệp mới mang lại ngoại tệ cho đất nước.
Thứ ba, đây là điểm mới trong quan hệ ngoại giao nhân dân, một trong năm trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Ngài Đại sứ có thông điệp nào gửi đến HIU trong việc đào tạo và chăm sóc sinh viên Ấn Độ cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giáo dục hai nước trong thời gian sắp tới không?
HIU và các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực cao để đảm bảo chương trình thành công. Các sinh viên Ấn Độ phải được đào tạo tốt để tạo sức hút tuyển sinh cho các năm sau.
Mỗi năm Ấn Độ có 1,5 triệu học sinh dự thi nhóm ngành y khoa và khoảng 800.000 em vượt qua kỳ sát hạch. Tuy nhiên, các trường ĐH Ấn Độ hiện chỉ có khả năng đáp ứng dưới 50% nhu cầu nên nhiều em lựa chọn ra nước ngoài để học.
So với các thị trường du học y quen thuộc của du học sinh Ấn Độ như Bangladesh, Trung Quốc, Nepal, Philippines, Malaysia, và một số nước Đông Âu, Việt Nam có rất nhiều lợi thế cạnh tranh. Chúng ta có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, sự ổn định chính trị và môi trường an toàn, thân thiện, đặc biệt là cho các sinh viên nữ. Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Ấn Độ nên việc hòa nhập của du học sinh Ấn sẽ thuận lợi hơn.
Ông Phạm Sanh Châu phát biểu tại lễ ký kết hợp tác trực tuyến giữa ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Công ty Aieraa Overseas Studies (Ấn Độ)

Ông Phạm Sanh Châu phát biểu tại lễ ký kết hợp tác trực tuyến giữa ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Công ty Aieraa Overseas Studies (Ấn Độ)

Việt Nam là một trong những nước “chảy máu USD” trong ngành giáo dục, hằng năm các gia đình chi khoảng 4 tỉ USD cho con em đi du học. Việc HIU nhận SV từ nước ngoài tới VN khiến nhiều người ngạc nhiên và phấn khởi. Theo ông để Việt Nam hướng tới “xuất khẩu giáo dục” cần những điều kiện gì?
Trước hết, cần xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh chuẩn, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế cùng với đội ngũ giảng viên giỏi. Trước mắt chúng ta cũng có thể “nhập khẩu” giảng viên ngành Y từ Ấn Độ để họ chia sẻ kinh nghiệm với giảng viên Việt Nam.
Và quan trọng nhất: các trường nhận du học sinh phải cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo, chăm sóc tốt cho sinh viên quốc tế.
Xin cảm ơn Ngài Đại sứ.